Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Đắc Thắng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gò Công (10/12/1924 – 10/12/2024). Với mục đích tuyên truyền giáo dục tinh thần yêu nước, cổ vũ, động viên đoàn viên, người lao động tích cực thi đua lao động, học tập và công tác, góp phần thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động huyện gửi đến các Công đoàn cơ sở trên địa bàn huyện đề cương tuyên truyền do Ban Tuyên giáo tỉnh ủy biên soạn như sau

1. Khái lược tiểu sử và quá trình hoạt động của đồng chí Nguyễn Đắc Thắng
Đồng chí Nguyễn Đắc Thắng có tên khai sinh là Nguyễn Văn Tấn, bí danh Ba Gạo, sinh ngày 10/12/1924 tại làng Mỹ Phong, quận Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho (nay xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Đồng chí tham gia cách mạng vào tháng 8/1945 tại ấp Mỹ Lương, xã Mỹ Phong trong lực lượng thanh niên Tiền phong. Từ năm 1946, đồng chí hoạt động trong phong trào thanh niên, giữ chức Xã đoàn phó rồi Xã đoàn trưởng xã Mỹ Phong. Tháng 5/1949, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).
2. Những đóng góp của đổng chí Nguyễn Đắc Thắng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng
– Đồng chí Nguyễn Đắc Thắng với phong trào đấu tranh cách mạng ở Gò Công
Sau năm 1954, đồng chí ở lại miền Nam công tác. Năm 1965, đồng chí được Tỉnh ủy Mỹ Tho chỉ định giữ chức vụ Trưởng ban An ninh tỉnh (nay là Công an Tiền Giang). Dưới sự chỉ đạo của đồng chí, các đơn vị nghiệp vụ trực thuộc An ninh tỉnh được củng cố, bổ sung; đồng thời, công tác phân công cán bộ được chỉnh đốn, các bộ phận điệp báo, bảo vệ chính trị được nâng chất. Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và chiến đấu trên địa bàn tỉnh, theo yêu cầu của An ninh Trung ương Cục miền Nam, đồng chí và Ban lãnh đạo an ninh tỉnh đã trích xuất, đưa về trên 2 đại đội an ninh vũ trang, góp phần xây dựng lực lượng an ninh vũ trang toàn Miền ngày càng lớn mạnh.
Giữa năm 1966, đồng chí được Tỉnh ủy phân công về hoạt động ở Gò Công. Lúc bấy giờ, phong trào cách mạng ở Gò Công bị địch đánh phá vô cùng ác liệt. Tuy nhiên, đồng chí kiên trì bám chặt cơ sở, xây dựng mạng lưới an ninh, góp phần quan trọng vào thắng lợi của công tác chống phá bình định mà địch đang ráo riết tiến hành ở địa bàn này. Tháng 6/1968, để chỉ đạo sát và kịp thời chống lại những âm mưu đánh phá mới của địch, hai huyện Gò Công và Hòa Đồng được tách ra thành lập tỉnh Gò Công trực thuộc Khu ủy. Cùng với số cán bộ của Mỹ Tho chia ra và của Khu tăng cường, Tỉnh ủy, Tỉnh đội và các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh Gò Công nhanh chóng thành lập dể tiếp tục lãnh đạo nhân dân Gò Công bước vào cuộc chiến đấu mới đầy khó khăn, ác liệt.
– Đồng chí Nguyễn Đắc Thắng với công tác chỉ huy quân sự trong kháng chiến
Cuối năm 1969, đồng chí Nguyễn Đắc Thắng được Khu ủy Khu 8 chỉ định giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Gò Công. Sau đó, đồng chí chủ trì nhiều hội nghị Tỉnh ủy nhằm đề ra các phương châm, phương thức công tác phù hợp với từng vùng địa bàn. Theo đó, Tỉnh ủy chỉ đạo các Huyện ủy, chi bộ tổ chức bám trụ địa bàn; cán bộ, du kích bám trụ trong dân, xây dựng thế tiến công mới, sẵn sàng thực hiện các đợt tấn công theo kế hoạch hiệp đồng của cấp trên. Nhờ vậy, cuộc chiến đấu của quân dân Gò Công vượt qua những khó khăn, thử thách, đánh bại kế hoạch bình định của địch.
Tháng 8/1971, đồng chí Nguyễn Đắc Thắng chủ trì hội nghị quán triệt Chỉ thị 01-CT/71 của Trung ương Cục miền Nam và Nghị quyết Khu ủy về chuyển hướng phương châm, phương thức tổ chức hoạt động, chuẩn bị lực lượng, tiếp tục chống phá kế hoạch bình định mới của địch. Từ đó, đồng chí Nguyễn Đắc Thắng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã mở lớp huấn luyện Võ Duy Linh để đào tạo chi ủy viên cho các chi bộ cơ sở nhằm thực hiện phương châm bám đất, bám dân của Đảng; đồng thời, chấn chỉnh lại bộ máy lãnh đạo, tổ chức thành 4 ban cán sự vùng và ban cán sự thị xã để đảm bảo tính gọn nhẹ, chỉ đạo cơ sở được sâu sát và kịp thời.
Từ tháng 3 đến tháng 4/1972, dưới sự chủ trì của đồng chí, Tỉnh ủy Gò Công tổ chức học tập Chỉ thị 13-CT/71 và Chỉ thị 01-CT/72 của Trung ương Cục, quán triệt quyết tâm tiến công địch, chống phá bình định cho tất cả cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và quần chúng nòng cốt trong toàn tỉnh. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, quân dân Gò Công anh dũng tiến công địch, giành được nhiều thắng lợi vang dội, tiêu biểu là Chiến thắng Đồng Sơn ngày 26 và 27/7/1972.
Sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết (27/01/1973), đồng chí và Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ thị cho lực lượng vũ trang của tỉnh kiên quyết đánh bại các cuộc hành quân lấn chiếm vùng giải phóng của quân đội Sài Gòn. Cuối tháng 8 đầu tháng 9/1973, đồng chí chủ trì hội nghị của Tỉnh ủy về việc học tập và thảo luận nghị quyết, chỉ thị mới của Trung ương Cục và của Khu ủy. Từ đó, nâng cao quyết tâm tiến công địch trên các mặt chính trị, quân sự, binh vận, kinh tế cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và quần chúng trong tình hình mới. Nhờ vậy, phong trào cách mạng ở Gò Công phát triển thuận lợi và mạnh mẽ.
Đầu tháng 4/1975, tình hình cách mạng miền Nam có chuyển biến mới vô cùng thuận lợi. Ngày 15/4/1975, đồng chí chủ trì hội nghị Tỉnh ủy mở rộng ở xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo để quán triệt Chỉ thị của Trung ương Cục và của Khu ủy Khu 8 về xây dựng kế hoạch cho từng địa phương về tổng công kích, tổng khởi nghĩa. Tại hội nghị, đồng chí báo cáo tình hình phát triển của cách mạng, thời cơ để giải phóng miền Nam đã trở nên chín muồi hơn bao giờ hết; đồng thời, đồng chí nhấn mạnh đến nhiệm vụ tự lực giải phóng quê hương của Gò Công và nhiệm vụ này được tiến hành theo phương châm tổng công kích, tổng khởi nghĩa, tiến tới xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh bằng thực lực của lực lượng vũ trang tại chỗ và phát động Nhân dân nối dậy khởi nghĩa với quyết tâm giành thắng lợi quyết định. Ngoài ra, hội nghị còn triển khai hướng dẫn việc tiếp quản cơ sở vật chất của chính quyền Sài Gòn cho cơ sở. Nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị là lực lượng chủ lực tính chịu trách nhiệm tiến công mục tiêu thị xã Gò Công và thị trấn Hòa Đồng; các ban cán sự tiến công đánh chiếm các thị trấn của các quận lỵ còn lại. Kết hợp công tác chính trị, binh vận để mở đợt phát động phong trào quần chúng, gia đình binh sĩ các xã, ấp nối dậy cùng bộ đội, du kích bao vây, bức rút đồn bót, giải tán phòng vệ dân sự, tiến tới giải phóng xã. Với chức trách Bí thư Tỉnh ủy Gò Công, đồng chí Nguyễn Đắc Thắng và đồng chí Nguyễn Văn Sơn (Ba Sơn) – Tỉnh đội trưởng chịu trách nhiệm chỉ huy thống nhất trên toàn chiến trường Gò Công.
Ngày 29/4/1975, đồng chí di chuyển sang mảng bắc Gò Công, họp với Ban chỉ huy mảng để đẩy mạnh tiến công vào mục tiêu số 1 là thị xã Gò Công (nay là TP. Gò Công). Sáng ngày 30/4/1975, quân dân Gò Công đã đồng loạt nổi dậy tiến công chiếm nhiều công sở địch ở nông thôn. Bộ đội chủ lực tỉnh tiến công uy hiếp thị xã Gò Công và thị trấn Hòa Đồng. 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, ngay sau khi Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng cách mạng không điều kiện, tiểu khu trưởng Gò Công hoảng hốt thông báo cho các chi khu tự giải tán, báo động giới nghiêm toàn thị xã để chỉ huy chúng dễ bề chạy trốn. Tình thế hết sức khẩn cấp, đồng chí Nguyễn Đắc Thắng đã kịp thời ra lệnh cho các lực lượng vũ trang và chính trị tiến thẳng vào chiếm các điểm then chốt của địch, nhanh chóng giải phóng quê hương. Đúng 15 giờ cùng ngày, quân giải phóng vào tiếp quản Dinh Quận trưởng. Cùng lúc, lực lượng ta đã kéo vào thị xã Gò Công, thị trấn Hòa Đồng, giải tán tề ngụy, tiếp quản nguyên vẹn Dinh Tỉnh trưởng, đài phát thanh, các cơ quan khác trong thị xã như: nhà máy đèn, nhà bưu điện, ngân hàng,… Đến 18 giờ ngày 30/4/1975, tỉnh Gò Công cơ bản được giải phóng.
– Đồng chí Nguyễn Đắc Thắng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo sau ngày 30/4/1975
Sau ngày toàn thắng 30/4/1975, đồng chí Nguyễn Đắc Thắng cùng với tập thể Ban Thường vụ và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gò Công ra sức lãnh đạo, chỉ đạo công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh Gò Công. Tháng 2/1976, tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công và TP. Mỹ Tho họp nhất, lấy tên là tỉnh Tiền Giang. Lúc bấy giờ, đồng chí được bầu làm ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang. Đồng chí lâm bệnh và qua đời vào ngày 23/7/1983.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí luôn luôn thể hiện ý chí tiến công cách mạng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, gian khổ; mưu trí, sáng tạo, năng động, linh hoạt trong công tác lãnh đạo, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phong trào cách mạng ở Gò Công phát triển mạnh mẽ, giải phóng hoàn toàn tỉnh Gò Công, cùng với toàn miền tạo nên chiến thắng ngày 30/4/1975.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang